Bạn có dự định học tiếng Nga hoặc đang muốn tìm hiểu về ngôn ngữ này? Hãy đọc và tham khảo nội dung của bài dưới đây.
Nếu bạn đang tìm khoá học tiếng Nga thì xem
1. Bảng chữ cái Cyrillic
- Bảng chữ cái tiếng Nga được gọi là Cyrillic, được hình thành từ thế kỷ IX-X bởi hai anh em Cyril và Methodius. Chữ Cyrillic được sử dụng không chỉ trong tiếng Nga mà còn ở nhiều ngôn ngữ khác như: Mông Cổ, Belarus, Bungari, Macedonia, Rusyn, Serbo-Croatia, Ukraine, Bashkir, Chuvash, Erzya, Uzbek, Kazakh, ...
- Trong bảng chữ cái tiếng Nga:
+ một số chữ viết và phát âm giống với chữ Latin (A, O, K, M, T),
+ một số thì viết giống nhưng phát âm khác (Н [n], Р [r], В [v], У [u]),
+ một số chữ thì hoàn toàn không giống với chữ Latin (Я, Ю, Ц, Ш, ...).
- Đó là lí do khi bắt đầu học tiếng Nga, người Việt sẽ dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, chỉ cần tập trung ghi nhớ trong vòng một tháng, chúng ta sẽ nhanh chóng làm quen và có thể dễ dàng ghép vần như tiếng Việt, khi đó việc đọc chữ sẽ hoàn toàn đơn giản hơn nhiều.
2. Ngữ pháp phức tạp
- Tiếng Nga có hệ thống ngữ pháp rất phức tạp với nhiều quy tắc chi phối tới danh từ, động từ, tính từ trong câu.
+ Danh từ và tính từ tiếng Nga bị tác động bởi ba yếu tố: giống (đực, cái, trung), số (ít, nhiều), cách (6 cách). Chính vì vậy, khi bạn học một danh từ hoặc tính từ, bạn cần phải ghi nhớ 12 cách biến đổi khác nhau của nó.
+ Động từ tiếng Nga cũng được chia theo thì hiện tại, quá khứ, tương lai. Tuy nhiên, động từ sẽ được cá nhân hoá cho mỗi ngôi nhân xưng. Ví dụ: tôi ăn, bạn ăn, họ ăn, chúng ta ăn - mỗi ngôi nhân xưng sẽ có một kiểu chia động từ "ăn" tương ứng mà bạn phải ghi nhớ và sử dụng đúng.
- Tuy nhiều sự phức tạp là vậy, nhưng bạn đừng lo, mọi thứ đều có quy luật vận hành của riêng nó, chỉ cần nắm được quy tắc và thực hành thường xuyên, bạn sẽ không còn thấy những điều này là khó khăn nữa, mà là điểm thú vị và độc đáo của tiếng Nga.
3. Khó khăn trong phát âm
- Chúng ta hay trêu đùa rằng: "xì xà xì xồ chẳng hiểu gì cả". Thực tế thì đúng là vậy, khi nói tiếng Nga, bạn sẽ phải "xì xà xì xồ" rất nhiều vì đây là ngôn ngữ có rất nhiều âm xát, âm suýt, âm rung ... khiến cho bạn có thể mất 1-2 tháng, hoặc 1-2 năm, hoặc thậm chí cả thanh xuân mà vẫn chưa bắt chước được đúng giọng của người Nga.
- Trọng âm (Stress) cũng là một yếu tố thường gặp trong các ngôn ngữ châu Âu, người học vẫn hay bảo nhau "nói tiếng Tây mà không có trọng âm thì như nói tiếng Việt không dấu". Không những vậy, độ khó được nâng cao khi trọng âm này là trọng âm không cố định, tức là nó sẽ nhảy lung tung không theo trật tự, bạn chỉ có cách ghi nhớ hoặc ... nhờ tổ tiên mách bảo 😁. Việc ghi nhớ và ý thức về trọng âm không phải ai cũng quen ngay được, chúng ta cần có thời gian để thích nghi với nó. Những bạn học tiếng Anh có thể sẽ làm quen nhanh hơn trong vấn đề này.
4. Từ vựng nhiều và phức tạp
- Từ vựng tiếng Nga thường dài và phức tạp, ít có sự tương đồng với tiếng Việt, vậy nên thời gian đầu người học sẽ phải cực khó khăn để nhồi nhét số lượng từ vựng xa lạ này.
- Mặt khác, tiếng Nga cũng mượn khá nhiều từ vựng từ tiếng Anh và Pháp, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm chung giữa chúng. Đây cũng là một lợi thế khi mà bạn học tiếng Nga nhưng vẫn update kha khá từ vựng tiếng Anh. Đảm bảo khi bạn quay lại với tiếng Anh, bạn sẽ lại thấy "phảng phất" bóng dáng tiếng Nga trong đó 🤓.
5. Sự khác biệt văn hóa
- Văn hoá và ngôn ngữ là hai phạm trù luôn song hành và bổ trợ cho nhau. Bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu rõ một ngôn ngữ, nếu không biết gì về văn hoá của dân tộc / quốc gia sử dụng nó.- Ví dụ như tiếng Việt chúng ta luôn phân chia theo độ tuổi để xác định ngôi nhân xưng khi giao tiếp. Vậy nên, chúng ta sẵn sàng gọi người lớn tuổi hơn là anh, chị, cô, chú, bác, ông, bà, ... và không ngần ngại gọi người nhỏ tuổi hơn là em, cháu, con ... Trong khi tiếng Nga lại quan tâm đến mức độ thân sơ hơn. Tiếng Nga có hai ngôi nhân xưng để gọi người đối thoại (you) là "ТЫ" (thân thiết) và "ВЫ" (trang trọng). Người Nga sẽ thoải mái dùng "ТЫ" với ông bà, cha mẹ, người lớn hơn tuổi, nhưng sẽ dùng "ВЫ" với người trẻ tuổi hơn mình nhưng không hề quen biết hay thân thiết.
- Thêm một dẫn chứng nữa về việc hiểu văn hoá: trong cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với các cựu du học sinh Việt Nam tại Nga diễn ra vào 20/06 vừa qua, tất cả mọi người khi gặp mặt bác Putin sẽ đều gọi bác là Vladimir Vladimirovich. Bởi vì trong văn hoá giao tiếp của Nga, việc sử dụng tên riêng (Vladimir) + kèm tên bố của bác (Vladimirovich) thể hiện sự tôn trọng với người đang đối thoại, không ai dùng Putin trong tình huống này!
6. Thiếu môi trường thực hành
- Cơ hội thực hành tiếng Nga ở Việt Nam cũng ít hơn rất nhiều so với các ngoại ngữ khác như: Anh, Hàn, Nhật, Trung ... Mặt khắc, văn hoá đại chúng (đặc biệt là ngành giải trí của US-UK, K-POP, C-POP) thu hút sự quan tâm rất lớn của giới trẻ, trong khi hợp tác Việt - Nga chủ yếu ở quân sự và khoa học - những đề tài khô khan và kém hứng thú với số đông.
- Ở một phương diện tích cực, Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của du khách Nga, hàng năm vẫn có rất nhiều khách du lịch từ những nước nói tiếng Nga đến Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, các bạn sống ở khu vực đó vẫn ít nhiều có cơ hội tiếp xúc và thực hành tiếng Nga với người bản xứ. Về giáo dục, mỗi năm có cả ngàn suất du học Nga dành cho công dân Việt Nam. Đây là cơ hội rất tuyệt vời để bạn vừa được thực hành tiếng, vừa được trải nghiệm văn hoá chân thực nhất.
- - - - - - - - - - - -
Trên đây là một số ý kiến Russki with Andrei thu thập và phân tích dựa trên trải nghiệm cá nhân và tham khảo từ những người khác. Hy vọng bài viết sẽ đóng góp thêm một góc nhìn cho những bạn đang có ý định học tiếng Nga.
0 Nhận xét