Rất nhiều bạn, kể cả những ai mới bắt đầu hay đã học được một thời gian, vẫn luôn thắc mắc: Làm sao để nhớ cách dùng của các cách trong tiếng Nga? Khi nào dùng cách nào? Trong bài này, Russki with Andrei sẽ không hướng dẫn bạn cách biến đổi danh từ / tính từ sang các cách, mà giúp bạn có cái nhìn tổng quan về bức tranh ngôn ngữ, hiểu được bản chất và áp dụng vào thực hành dễ dàng hơn.
Cách trong tiếng Nga là gì?
✅ Cách hay cách thể (tiếng Nga "падеж") là một trạng thái của đại từ, danh từ và tính từ, thường xuất hiện trong các ngôn ngữ Ấn - Âu.
✅ Điển hình như trong tiếng Anh, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít "tôi" có 2 phương án "I" và "me", ngôi thứ 3 số ít "anh ấy" có "he" và "him". Vậy nên trong câu "tôi yêu anh ấy" là "I love him", nhưng khi đảo ngược lại "anh ấy yêu tôi" thì là "he loves me". Đây là một ví dụ về cách thể mà chúng ta đã rất quen thuộc khi học tiếng Anh.
✅ Đối với tiếng Nga, sự biến đổi xuất hiện nhiều hơn, dày đặc hơn và phức tạp hơn, khiến cho người học lúng túng trong thời gian đầu. Ví dụ: "Anh ấy là người tốt. Tôi yêu anh ấy, tôi muốn sống cùng anh ấy và chăm lo cho anh ấy suốt đời" dịch sang tiếng Nga sẽ là "Он хороший человек. Я люблю его, я хочу жить с ним и заботиться о нём всю жизнь". Riêng với từ "anh ấy" trong câu này khi dịch sang tiếng Nga đã có đến 4 kiểu khác nhau.
✅ Cách thể không biểu hiện trong tiếng Việt, mà nó sẽ dựa vào tình huống giao tiếp và trật tự từ trong một câu.
Cách đóng vai trò gì?
✅ Cách thể giúp cho chúng ta dễ dàng xác định được danh từ/ tính từ/ đại từ đó đóng vai trò gì trong câu (chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ), từ đó dễ dàng xác định ngữ nghĩa mà người nói muốn truyền tải.
✅ Dễ thấy như trong câu "tôi yêu anh ấy", nếu chúng ta thay đổi vị trí các từ "anh ấy yêu tôi" thì ngữ nghĩa đã thay đổi hoàn toàn. Trong khi đó, đối với tiếng Nga, việc thay đổi vị trí các từ không ảnh hưởng gì nhiều tới ngữ nghĩa, vì đã có cách thể "phong ấn" chức năng của chúng, dù nằm ở đâu, chúng cũng chỉ có ý nghĩa duy nhất: я люблю его = я его люблю = его люблю я.
Ý nghĩa của các cách
Tiếng Nga có tất cả 6 cách và đánh số từ 1 tới 6, nhưng đó là cách gọi để người học Việt Nam dễ dàng ghi nhớ trong thời gian đầu làm quen. Trên thực tế, mỗi cách có một tên gọi riêng và chính những tên gọi này sẽ phản ánh ý nghĩa của chúng trong câu.
Cách 1 - Именительный падеж
✅ Chúng ta liên tưởng tới từ "имя", "Именительный падеж" nghĩa là nguyên cách, hay danh cách.
✅ Danh cách làm chủ ngữ trong câu hay đơn giản là gọi tên sự vật, hiện tượng.
✅ Ví dụ:
- дедушка пришёл домой.
- Он работает инженером.
- Мама купила мне игрушку.
Cách 2 - Родительный падеж
✅ Xuất phát từ động từ "родить" - sinh đẻ. "Родительный падеж" được biết đến với tên gọi "Sinh cách" hay "Sở hữu cách".
✅ Tên gọi đã nói nên chức năng của cách 2 là sở hữu. Ngoài ra, cách 2 cũng thường xuyên xuất hiện trong các mệnh đề phủ định.
✅ Các giới từ đi kèm cách 2: у, с, из, из-за, от, до, после, без, для, насчёт, мимо, среди, около, кроме, вместо, против, вокруг, возле ...
✅ Ví dụ:
- у мамы нет новой одежды.
- Это дом моего сына.
- Как добраться до Владивостока из Москвы?
Cách 3 - Дательный падеж
✅ Liên hệ tới động từ "дать" - đưa, chuyển, trao. Vậy khi bạn muốn "đưa" cho ai đó, hãy để họ ở cách 3.
✅ Các giới từ đi kèm với cách 3: по, к, благодаря, вопреки, навстречу, подобно, согласно ...
✅ Ví dụ:
- Он подарил моей сестре очень дорогую сумку. (anh ấy tặng cho chị gái tôi, tức là anh ấy đang "đưa" cho chị gái tôi cái gì đó)
- Учительница задала нам трудную задачу. (giáo viên giao/ đưa cho chúng tôi bài khó)
- Саша ответил мне. (Sasha trả lời tôi, tức Sasha đang "đưa" cho tôi câu trả lời)
- Я вам скажу позже. (tôi sẽ nói cho bạn sau, tức tôi sẽ "đưa/truyền" thông tin gì đó cho bạn)
Cách 4 - Винительный падеж
✅ Cách 4 hay còn gọi là đối cách. Cách này dễ nhận biết nhất, bởi nó giống như tân ngữ trong tiếng Anh, chịu tác động trực tiếp của động từ.
✅ Các giới từ đi kèm với cách 4: в, на, за, про, через, по, сквозь ...
✅ Ví dụ:
- Моя мама любит покупать товары онлайн через интернет.
- Читай текст про себя!
Cách 5 - Творительный падеж
✅ Cách 5 hay còn gọi là tạo cách. Động từ "творить" - sáng tạo. Cách 5 nhấn mạnh tới phương pháp, cách thức, công cụ, người tạo ra cái gì.
✅ Các giới từ đi kèm với cách 5: с, за, под, над, между, перед ...
✅ Ví dụ:
- Я езжу в школу велосипедом.
- Мы дышим свежим воздухом.
- Азиаты едят палочками.
Cách 6 - Предложный падеж
✅ Cách 6 - giới cách - khá quen thuộc với người mới bắt đầu, dùng để chỉ nơi chốn. Cách 6 là cách duy nhất không đứng một mình, luôn phải đi kèm với giới từ.
✅ Giới từ đi kèm cách 6: в, на, о, при ...
✅ Ví dụ:
- Я лежу в своей комнате и думаю о ней.
Có thể bạn chưa biết?
Cách 6 có hai dạng chia khác nhau
✅ Bạn có để ý rằng một số từ khi biến đổi sang cách 6 sẽ có tận cùng là "-у" và chúng ta thường gọi đó là những trường hợp đặc biệt: в лесу, в саду, на мосту, на берегу, на полу ...
✅ Thật ra chúng không đặc biệt lắm đâu, vì trước đây nó không phải là "Предложный падеж", mà là "Местный падеж (локатив)".
Предложный О КОМ/ЧËМ? |
Местный ГДЕ? |
---|---|
Мы говорим о носе (nói về cái mũi) |
выходные у нас на носу (ngày cuối tuần ở ngay trước mũi - sắp tới rồi) |
Мы думаем о годе (nghĩ về một năm) |
День рождения только раз в году (Sinh nhật chỉ có 1 lần trong năm) |
Мы думаем о лесе (nghĩ về khu rừng) |
Домик в лесу (ngôi nhà nhỏ trong rừng) |
0 Nhận xét